Công nghệ 14nm của Intel khi nào mới được thay thế?

Intel vừa thông báo rằng dòng CPU Rocket Lake sẽ là dòng bộ vi xử lý desktop cuối cùng sử dụng tiến trình 14nm và nó sẽ được kế nhiệm bằng dòng Alder Lake trên tiến trình 10nm ra mắt vào cuối năm nay. Mới đây nhất, dòng CPU Xeon dành cho server của Intel cũng đã chuyển sang tiến trình 10nm, nghĩa là node 14nm của Intel thực sự đã đi đến cuối con đường.

 

Công nghệ 14nm của Intel khi nào mới được thay thế? - 6

Các CPU 11th đứng trước nguy cơ trở thành dòng sản phẩm có vòng đời ngắn nhất của Intel

Với việc đầu tư mạnh vào việc nghiên cứu sản xuất trong những năm gần đây, Intel cuối cùng đã kết thúc quá trình chuyển dịch từ 14nm sang 10nm kéo dài 7 năm ròng của mình. Chặng đường đó không chỉ dài đằng đẵng mà còn chứa đầy các chông gai, biến nó thành giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của công ty.

Đây là hậu quả của một quãng thời gian dài ngủ quên trên chiến thắng của Intel, họ đã có những lúc chủ quan, để rồi không kịp trở tay trước những thay đổi nhanh đến bất ngờ của đối thủ AMD.

Từ vị trí dẫn đầu trở thành biểu tượng của sự trì trệ

Từ năm 2007, Intel thường phát hành sản phẩm theo mô hình tick-tock. Điều này nghĩa là cứ sau mỗi 2 năm, Intel lại thu nhỏ bóng bán dẫn của mình. Kích cỡ bóng bán dẫn nhỏ hơn nghĩa là sẽ có nhiều bóng được hơn trong mỗi die CPU – tất cả sẽ làm tăng hiệu quả, hiệu năng và giảm giá thành. Nó cũng đúng với nhịp độ đổi mới theo Định luật Moore và quá trình phát triển bộ vi xử lý hơn 20 năm trước đó.

Intel leadership

Intel từng tự hào là người mở lối tiên phong…

Nhưng mọi thứ đã dừng lại kể năm 2016, không một CPU máy tính để bàn nào thoát khỏi tiến trình 14nm kể từ thời Skylake. Đáng ra sau 2 năm tức là 2018, Intel đã phải có cho mình những bộ vi xử lý 10nm, rồi đến 2020 là 7nm và giờ là năm 2021 họ phải đang rục rịch với tiến trình 5nm như bao nhà sản xuất khác.

Intel có thể nói rằng họ cũng đã phát triển CPU 10nm. Cụ thể là Cannon Lake, dòng CPU 10nm đầu tiên của Intel ra mắt vào Quý IV – 2018 với một sản phẩm duy nhất mang tên  i3-8121U – CPU tiết kiệm năng lượng dành cho laptop – còn thứ mà người dùng chờ là những sản phẩm 10nm dành cho desktop lại hoàn toàn bặt vô âm tín.

Inte Moore Law

… nhưng cũng có ngày phải chống chế như thế này

Năm 2018 có lẽ không phải là một năm quá tồi với Intel, khi họ đã khéo léo thoát khỏi cơn mưa chỉ trích nhờ việc tăng số nhân thực cho hầu hết các CPU desktop mà dòng Coffee Lake là một ví dụ. Hiệu năng của chúng vẫn ổn, vẫn đáp ứng được cơn khát về sức mạnh của người dùng nhưng lại là khởi đầu của sự bất mãn bởi sang đến những năm tiếp theo đó, họ vẫn không có gì đổi mới và sáng tạo trong những sản phẩm của mình.

Thay đổi hay đầu hàng vô điều kiện?

Như vậy, với vô vàn lý do được viện dẫn, Intel đã trì hoãn việc tung ra các sản phẩm chủ lực cho máy tính để bàn đến nay đã là 4 năm, trong khoảng thời gian đó AMD và mới đây là Apple đã có những bước tiến vượt bậc, lấy được một mảng lớn trong miếng bánh thị phần, đồng thời gây sức ép ngày càng lớn lên chính Intel.

Intel 7nm

Loạt CPU dựa trên tiến trình 10nm tới đây liệu có đem về niềm tin đã mất?

Nhiều tin đồn cho biết, dòng bộ xử lý Tiger Lake-H hiệu năng cao sắp ra mắt trong thời gian tới sẽ hoàn tất quá trình chuyển toàn bộ CPU laptop sang 10nm. Trong khi đó, dòng Alder Lake Gen 12th sẽ kết thúc hành trình chuyển từ 14nm sang 10nm trên desktop vào cuối năm nay.

Dường như Intel biết rằng mình không thể trì hoãn ra mắt CPU dựa trên tiến trình mới thêm một lần nào nữa và 10nm chưa phải điểm dừng cuối cùng của họ. Cuối tháng 3 vừa qua, công ty đã công bố kế hoạch ra mắt CPU trên tiến trình 7nm vào năm 2023 – đúng bằng một chu kỳ tick-tock như thường thấy trước đây.

Dù sao đi nữa, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm gần đây, Intel có vẻ như đang trở lại đúng đường đua – và sự kết thúc của tiến trình 14nm là một tín hiệu tốt cho tương lai gần.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *