Giới thiệu card Quadro P620
Card đồ họa chuyên dụng NVIDIA Quadro K620 được hãng giới thiệu vào khoảng nửa đầu năm 2018, là model card đồ họa chuyên dụng mới nhất ở phân khúc phổ thông. NVIDIA Quadro P620 tích hợp GPU Pascal 512 nhân CUDA, bộ nhớ lớn trên bo mạch và các công nghệ hiển thị tiên tiến để mang lại hiệu suất tuyệt vời cho một loạt các quy trình xử lý công việc chuyên nghiệp. Bộ nhớ GPU cực nhanh 2GB GDDR5 cho phép tạo ra các mô hình 2D và 3D phức tạp. Sử dụng chỉ 1 khe cắm PCIe, kích thước nhỏ gọn giúp Quadro P620 tương thích với các thùng máy có không gian hạn chế nhất. Hỗ trợ lên đến bốn màn hình 4K (4096×2160 @ 60 Hz) với màu HDR cho bạn một không gian làm việc trực quan mở rộng để xem các thiết kế của bạn với chi tiết tuyệt đẹp.
Quadro là dòng card đồ họa chuyên dụng của NVIDIA đã được chứng nhận bởi nhiều hãng phần mềm nổi tiếng. Dãy sản phẩm Quadro cũng trải dài từ dòng phổ thông đến các dòng card Quadro cao cấp với những công nghệ mới được tích hợp để phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dùng và yêu cầu của phần mềm. Cho dù bạn thiết kế các hình ảnh 3D với nhiều chi tiết hay làm một đoạn phim với nhiều hiệu ứng thì Quadro vẫn cho bạn một hình ảnh tuyệt đẹp và sống động.
Hình ảnh sản phẩm Quadro P620
Vỏ hộp của Quadro P620 có kích thước lớn hơn so với Quadro P600. Màu sắc chủ đạo của hãng NVIDIA cũng được tôn vinh trong mẫu thiết kế như thế này. Đây là mẫu hộp card Quadro do nhà phân phối ủy quyền của NVIDIA tại châu Á – Leadtek, so với nhà phân phối PNY thì vỏ hộp của Leadtek nhìn bắt mắt hơn.
Ngoài lớp vỏ hộp màu bên ngoài, thì bên trong còn thêm 1 lớp vỏ hộp màu đen cứng.
Bên trong hộp, thay vì bố trí dây cáp nằm bên dưới card thì lần này hãng bố trí nằm bên phải, đó là lý do vì sao vỏ hộp của Quadro P620 có kích thước dài hơn Quadro P600.
Phụ kiện kèm theo gồm: Đĩa driver, sách hướng dẫn nhanh, 4 cáp chuyển từ mini Display Port sang Display Port và thanh chặn low-profile phù hợp với các thùng máy có kích thước hạn chế.
Mặt trước của Quadro P620, nhìn không khác gì so với Quadro P600
Mặt dưới là chân cắm khe PCIe x16, phù hợp với hầu hết các máy tính hiện nay. Hỗ trợ PCIe 3.0 cho tốc độ băng thông gấp đôi so với PCIe 2.0
Mặt trên là tên model sản phẩm P620
Quadro P620 được trang bị 1 quạt duy nhất. Vì được tối ưu về điện năng và không bị nóng quá nên 1 quạt là đủ dùng cho Quadro P620 công suất 40W, phù hợp với các bộ máy trạm có hạn chế về công suất nguồn.
Mặt hông sau là 4 cổng kết nối màn hình mini Display Port, cho phép kết nối lên đến 4 màn hình độ phân giải 5K, cho khả năng nhìn được mở rộng hơn. So với kích thước nhỏ gọn mà hỗ trợ lên đến 4 màn hình thì Quadro P620 thực sự được tối ưu rất nhiều. Đi kèm theo card là 4 cáp chuyển từ mini Display Port (mDP) sang Display Port (DP) cho khả năng tương thích với nhiều loại màn hình thế hệ mới. Tuy nhiên, nếu màn hình của người dùng không có sẵn cổng Display Port, thì bạn cần trang bị thêm cáp chuyển từ mDP/DP sang DVI/HDMI.
Cũng giống như Quadro P600, Quadro P620 với kiến trúc Pascal, bảng mạch được thiết kế màu đen, cho cảm giác về chất lượng hơn. Mặt sau của card là các thông tin về model sản phẩm và số serial number.
Đánh giá hiệu năng của Quadro P620
Trong phần này, chúng tôi sẽ thử nghiệm sản phẩm Quadro P620 với phần mềm benchmark SPECVIEWPERF 12. Đây là phần mềm benchmark nổi tiếng phù hợp với nhiều ứng dụng đồ họa chuyên nghiệp, được các hãng sản xuất phần cứng nổi tiếng chuyên dùng: AMD, Dell, Fujitsu, HP, Intel, Lenovo, Micron và NVIDIA. SPECviewperf 12 đo hiệu suất đồ họa 3D của các hệ thống chạy dưới giao diện lập trình ứng dụng OpenGL và Direct X. Trong ứng dụng này, chúng tôi sẽ test trên nền tảng các ứng dụng như: Catia, Creo, Maya, Showcase, Siemen NX, Medical, SolidWork, Energy.
Trước khi đánh giá hiệu năng Quadro P620 so với Quadro P600, chúng ta cùng xem lại bảng so sánh thông số kỹ thuật của 2 card này xem hãng đã nâng cấp những phần nào trên Quadro P620:
Qua bảng so sánh về thông số kỹ thuật, chúng ta thấy rằng hãng đã nâng cấp số nhân CUDA trên Quadro P620 lên đến 512 nhân và băng thông bộ nhớ lên 80 GB/s. Liệu rằng sự nâng cấp này có làm cho hiệu năng của Quadro P620 tăng lên đáng kể không, chúng ta cùng xem bảng so sánh hiệu năng test bên dưới:
Qua bảng so sánh hiệu năng, chúng ta có thể thấy hiệu năng của Quadro P620 cao hơn từ 10-30% so với Quadro P600. Trong khi số nhân đã được tăng cao hơn 33%, băng thông bộ nhớ tăng lên 25%, thì hiệu năng chỉ tăng từ 10 – 30% nên xét về mặt hiệu quả trên thông số kỹ thuật thì Quadro P620 chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Tuy nhiên, điểm đánh giá kết quả còn dựa trên nhiều yếu tố chứ không phải riêng về số nhân và băng thông bộ nhớ. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy rằng tốc độ xung nhịp của GPU trên Quadro P620 là 1266 MHz, có giảm 1 chút so với tốc độ GPU của Quadro P600 là 1329 MHz. Như vậy, để đảm bảo được công suất tiêu thụ 40W không đổi so với Quadro P600 thì hãng đã giảm xung nhịp của GPU xuống để tiết kiệm điện năng. Nhưng dù sao, đánh giá tổng thể thì Quadro P620 vẫn cho hiệu năng cao hơn Quadro P600.
Kết luận
Với mức giá bán chênh lệch tầm 800.000đ so với Quadro P600, Quadro P620 cho hiệu năng tăng từ 10-30%. Những người đang dùng Quadro P600 vẫn chưa có gì phải nâng cấp vội, nó chỉ phù hợp cho người dùng trang bị mới, hoặc đang sử dụng card thế hệ trước đó như Quadro K600, K620. Với thông số đã được nâng cấp, Quadro P620 phù hợp với các nhu cầu xử lý đồ họa 2D và mô hình 3D kích thước vừa và nhỏ. Hiện tại, card Quadro P620 đang được phân phối chính hãng tại thị trường Việt Nam bởi Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Đăng Di, Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn lựa chọn card, có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất.